Rau mầm càng ngày càng được nhiều gia đình ưa chuộng bởi chứa nhiều chất xơ và dinh dưỡng cần thiết. Bởi nhu cầu cao như vậy, các nhà vườn cũng đang rất quan tâm đến cách trồng loại “rau ăn liền” này.
Sở dĩ gọi rau mầm là “rau ăn liền” vì đây là những cây non mới mọc từ mầm sống, có thể dùng để ăn sống trong các món cuộn, trộn salad, hay nấu súp, lẩu… Rau mầm được canh tác bằng các loại hạt giống quen thuộc như giống củ cải trắng, cải ngọt, cải xanh, hạt mè đen, các loại đậu như đậu đen, đậu phộng, đậu nành…
Trong rau mầm chứa nhiều khoáng chất hữu cơ, vitamin, các enzym có ích và các chất Phytochemical. Các chất Phytochemical, hay hóa chất thực vật, chỉ có trong các loại rau củ, ngũ cốc, các loại hạt và trong cây mầm. Các chất này có tác dụng dược lý rất tích cực với sức khỏe người, thúc đẩy sản sinh tế bào mới và phòng chống các bệnh nguy hiểm như ung thư.
Với ưu điểm to lớn như vậy, nhu cầu rau mầm đang ngày càng tăng lên trên thị trường. Các nhà vườn có nhu cầu học hỏi cách trồng rau mầm hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi trong bài viết này nhé.
Giống cây và giá thể trồng
Rau mầm trên thị trường đa phần trồng từ hạt cải và hạt đậu… nhưng phổ biến nhất là giống củ cải trắng do dễ trồng. Các nhà vườn cũng nên trồng thử thêm nhiều giống mới với mùi vị rau khác nhau, bởi thị hiếu của khách hàng luôn luôn thay đổi.
Về giá thể trồng rau mầm, đây thường là đất sạch hữu cơ, trộn lẫn với xơ dừa. Loại đất này đã đủ dinh dưỡng nên trong quá trình trồng không cần bổ sung bất kỳ một loại phân bón nào khác.
Tùy vào vật liệu sẵn có địa phương mà nhà vườn có thể tận dụng để làm kệ và khay trồng rau. Khoảng cách tối ưu giữa các kệ là khoảng 40 cm, kệ thấp nhất cách mặt đất tối thiểu 25 – 30 cm để hạn chế những sinh vật như cóc, chuột, kiến bò vào khay.
Nơi trồng rau mầm cần thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp, tránh mưa, gió lùa. Sau khi bạn hoàn tất các bước trên thì công tác chuẩn bị đã xong.
Gieo mầm và thu hoạch thành quả
Hạt giống trước khi trồng cần được ngâm trong nước ấm từ 6 – 8 giờ. Quá trình ngâm giúp nhà vườn loại bỏ hạt hỏng, hạt lép do những hạt này sẽ nổi lên mặt nước. Ngâm nước cũng loại bỏ chất bẩn, tạp chất bám vào hạt. Sau đó, tiếp tục tiến hành ủ trong khăn ấm từ 10 – 12 giờ để kích thích tăng trưởng, tỷ lệ nảy mầm cao và đồng đều.
Cho vào khay một lớp giá thể, vò nát cho tơi và bằng phẳng rồi tưới nước cho ướt. Gieo hạt giống đã ngâm lên bề mặt giá thể, dàn đều. Tùy vào giống rau mà sử dụng lượng giống phù hợp, với giống củ cải trắng cần 60 – 80g hạt / khay 40×50 cm.
Gieo xong, bạn tưới thêm một lượt bằng cách phun sương, rồi đậy kín khay lại bằng bìa cát – tông. Hằng ngày tưới phun sương mặt giá thể từ 1- 2 lần/ ngày là đủ độ ẩm cho rau mầm phát triển. Sau từ 5 – 7 ngày, cây rau mầm đạt chiều cao từ 8 – 12 cm và đã sẵn sàng để thu hoạch.
Để thu hoạch rau mầm, người ta dùng kéo cắt sát bề mặt giá thể rồi bỏ vào hộp nhựa hoặc túi MA bảo quản cho tươi lâu tự nhiên.
Túi MA do Inabata Việt Nam phân phối chính thức, có công dụng bảo quản rau củ quả tươi ngon hoàn toàn tự nhiên. Túi MA sử dụng công nghệ vật liệu biến đổi khí quyển, giúp điều chỉnh tỉ lệ khí O2, CO2, N2… bên trong túi, nhờ đó điều khiển khả năng trao đổi chất của hoa quả với môi trường, giúp chúng chín chậm hơn điều kiện thường từ 3 tuần tới 1 tháng. Túi MA giữ cho hoa quả tươi lâu hơn mà hoàn toàn không sử dụng đến chất hóa học, nên được rất nhiều nhà vườn tin dùng.
Rau mầm nhìn chung là dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác. Với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, rau mầm đích thị là mối quan tâm hàng đầu của các nhà vườn trên cả nước.