Hướng tới mục tiêu giải quyết những vấn đề liên quan đến lãng phí thực phẩm toàn cầu và tiêu thụ quá mức thực phẩm, nhà thiết kế người Đức Basse Stittgen đã cho ra mắt những bộ đồ gia dụng nhà bếp như đĩa, bát thiết kế và sản xuất từ những quả trứng đã quá hạn sử dụng.
Là một phần trong dự án của mình có tên “How Do You Like Your Eggs?”, Stittgen hướng tới việc khám phá những “khả năng đặc biệt” của các vật dụng thông thường, đặc biệt là thực phẩm thừa.
Stittgen đã biến những quả trứng bị bỏ đi thành một loạt cốc và đĩa đựng bằng nhựa sinh học có màu vàng, hoa văn trang trí với những mảnh vỏ trứng vỡ.
Stittgen cho biết: “Hàng năm, trung bình có 1,1 nghìn tỷ quả trứng được đẻ từ 6,4 tỷ con gà mái trên toàn cầu.”, “Đồng thời, một phần ba tổng lượng thực phẩm bị lãng phí hay thất thoát hàng năm, trong đấy có những quả trứng với thời gian sử dụng ngắn và những chiếc vỏ dễ vỡ, vốn không phải là những biện pháp bảo quản thích hợp nhất để vận chuyển hay chế biến.”
Ông cũng cho biết: “Từ trang trại cho tới nhà máy, giá trị của con gà và những quả trứng của chúng giảm dần.”
How Do You Like Your Eggs hướng tới giải quyết sự thay đổi giá trị này bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng về lãng phí trứng hay cụ thể hơn là về thói quen tiêu dùng và sử dụng trong cộng đồng.
>> Xem thêm : Thiết kế mới – áo mưa làm từ nhựa sinh học có nguồn gốc từ tảo
Stittgen cho biết: “Trong bối cảnh hiện tại, nhựa không phân hủy là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, đặc biệt do văn hóa “vứt bỏ” của cộng đồng.”
“Để hạn chế điều đó, một loại nhựa sinh học có khả năng phân hủy hoàn toàn được sử dụng để tạo ra một câu chuyện về tiêu thụ và lãng phí thực phẩm.” Stitgen nói thêm.
Trong dự án của mình, Stittgen trước tiên thu thập trứng còn thừa từ các tiệm bánh mì địa phương, đập và tách chúng riêng rẽ thành lòng trắng, lòng đỏ và vỏ. Lòng trắng trứng gà được tách nước và xay thành bột trong khi phần vỏ được nghiên nhỏ.
Hai thành phần này sau đó được trộn với nhau và đưa vào trong khuôn nhôm và ép ở nhiệt độ 200 độ.
Điều này khiến cho protein albumin trong lòng trắng trứng gà liên kết tạo thành các polyme dưới nhiệt và áp suất, tạo thành những polyme sinh học có thành phần protein mà không cần thêm các hóa chất tạo nhựa nào.
Stittgen thấy việc phát triển các vật liệu bền vững cũng quan trọng như việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ông nhận ra rằng đây không phải là cách giải quyết hướng tới căn nguyên của vấn đề.
Ông cho rằng điều cần phải đánh giá và xác định ở đây là hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng trong các hành động tiêu thụ lãng phí và dư thừa.
“Nếu việc sản xuất axit polylactic (PLA) làm từ tinh bột ngô được mở rộng đến mức có thể thay thế nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch, việc sản xuất PLA sẽ trở thành một vấn đề môi trường lớn tương đương.” Nhà thiết kế giải thích.
>> Xem thêm : Chính phủ Anh ban hành chính sách về nhựa sinh học để chấm dứt những quan niệm mơ hồ và dễ gây hiểu lầm
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ điều cần thay đổi bên cạnh các nguyên liệu mà chúng tôi sử dụng là hành vi và thái độ của chúng tôi với tư cách là người tiêu dùng và nhà sản xuất đối với những loại vật liệu này.”
Ông cho hay: “Khi hệ thống và thói quen tiêu dùng của chúng ta chưa giải quyết triệt để các vấn đề, có thể sẽ không có một loại vật liệu nào là hoàn hảo.”, “Và đây là điều mà tôi đang cố gắng giải quyết với dự án này.”
How Do You Like Eggs? về cơ bản hướng tới nâng cao nhận thức về tiêu dùng và lãng phí thực phẩm bằng cách “xử lý chúng và đặt những sản phẩm từ quá trình này trong phòng khách của người tiêu dùng.”
Stittgen không đặt ra mục tiêu thay thế những loại nhựa thông thường, mà ông muốn nhắc nhở chúng ta rằng các nguồn tài nguyên – đặc biệt là thực phẩm – rất quý giá và cần được xử lý vô cùng cẩn thận, giống như trứng.
Một trong những dự án trước đây của Stittgen, ông sử dụng những phần máu còn sót lại trong những nhà máy xử lý thịt công nghiệp để tạo ra một bộ sưu tập các đồ vật nhỏ, bao gồm một hộp đồ trang sức và một máy nghe nhạc.
Với quy trình tương tự như khi thiết kế cốc từ trứng, Stittgen làm khô máu và tạo ra một loại bột, sau đó ép ở nhiệt độ cao để tạo ra một loại polyme sinh học có thành phần protein.