“Nho Nhật 11 triệu đồng mỗi chùm bán sau một ngày về Sài Gòn”, đó là dòng tít trên báo vnexpress về loại nho Ruby Roman của Nhật Bản.
Nhật Bản, đất nước nổi tiếng với những loại hoa quả đắt giá nhất thế giới, là quê hương của giống nho Ruby Roman đắt giá. Mỗi chùm nho trọng lượng 800 – 900 gram từng được bán với giá kỷ lục tới 221 triệu đồng nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng.
Trong bài viết này bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách người nông dân Nhật Bản trồng loại nho đặc biệt này nhé.
Nguồn gốc của nho Ruby Roman
Loại nho đặc sản của quận Ishikawa này thực ra mới chỉ được trồng từ năm 2008, sau 14 năm ròng nghiên cứu phát triển. Cái tên Ruby Roman được đặt sau một cuộc bỏ phiếu công khai của hiệp hội những người trồng nho.
Ở Nhật Bản, hầu hết các giống nho đều là giống cây tứ bội. Nho Ruby cũng được lai tạo có chọn lọc từ một giống cây tứ bội – cây Fujiminori. Nhờ đó giống nho này thừa hưởng nhiều đặc điểm tuyệt vời như kích thước quả lớn, trọng lượng quả tươi trung bình cao hơn 20 gram, lớn gấp đôi trọng lượng nho “Kyoho” (một loại nho kích thước lớn khác ở Nhật Bản).
Ở cây nho thường mắc một căn bệnh có tên phylloxera, làm suy giảm khả năng sinh trưởng của cây, thậm chí có thể dẫn đến chết cây. Do bệnh này thường mắc phải ở rễ cây nho, nên người trồng nho Nhật đã tiến hành ghép cây nho trên gốc cây thường để ngừa bệnh. Các loại gốc ghép phổ biến là Kober 5BB và Hybrid Franc.
Ngoài đặc tính ngăn ngừa bệnh, gốc ghép còn mang các đặc tính có lợi cho nho như chất lượng quả mọng cao, chín sớm và khả năng thích nghi nhiều loại đất.
Ươm mầm và chăm sóc cây con
Từ những cây nho đang ngủ đông trong nhà kính vinyl của Trạm thí nghiệm nông nghiệp Ishikawa, người ta tiến hành cắt những chồi dài khoảng 5cm và ghép gốc 5BB hay gốc HF đã được nhân giống từ trước. Sau khi cắt ghép thành công, cây mới được nhúng vào một số loại dung dịch để tăng tốc độ ra rễ.
Tiếp đó, các cành ghép được đặt trong các hộp chứa đầy môi trường sinh trưởng và chất dinh dưỡng, và giữ trong nhà kính ở 30 độ C và độ ẩm 80%.
Sau 2 tháng ươm mầm, các cây con đã bắt đầu đâm chồi và ra rễ. Người ta đem chúng trồng trong các chậu nhựa thể tích 60 lít, chứa đầy cát, vỏ cây phân và phân bón. Toàn bộ quá trình trồng sẽ diễn ra trong nhà kính.
Quá trình phát triển
Sự phát triển của cây nho Ruby được ghi chép và đánh giá rất kỹ càng. Từ chồi non đầu tiên, cây nho lớn dần thành thân chính đạt chiều dài 1,5 m. Trong suối mùa sinh trưởng, các chồi bên được cắt tỉa định kỳ hai tuần một lần tại nút đầu tiên, chỉ để lại một lá.
Khi cây trưởng thành hoàn toàn, các gốc ghép cùng cây sẽ được cấy xuống đất trong nhà kính, mỗi gốc cách nhau 0,7m. Các chồi mới nảy chồi được tự do phát triển từ các cựa gần gốc. Các chồi bên cách gốc 8 lá được cắt tỉa nhiều lần như mô tả ở trên.
Quá trình tưới nước được hệ thống tưới nhỏ giọt thực hiện tự động mỗi ngày. Không có phân bón được bón trong suốt quá trình cây sinh trưởng, ngoại trừ 20 g phân bón được chuẩn bị trước khi cấy cây mới. Kể từ khi trồng xuống nhà kính tới khi có quả mất một tháng.
Thành quả tới
Tháng 8 báo hiệu thời điểm thu hoạch đã tới. Tất cả các cây nho đều cho ra các chùm quả chín mọng. Trọng lượng chùm, số trái mỗi chùm, trọng lượng gốc, biểu đồ màu quả nho được ghi lại và tiếp tục cập nhật theo từng năm. Tiếp đó, 5 quả nho bất kỳ từ các cây khác nhau được thu thập ngẫu nhiên để đo đường kính quả mọng, tổng hàm lượng chất rắn hòa tan và độ axit trong nước quả.
Nhờ vậy người nông dân chọn được những chùm nho to nhất, chất lượng nhất. Sau khi thu hái, chúng được bảo quản trong các túi MA để giữ nguyên vẹn chất lượng quả hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng tới chất hóa học. Chỉ khi đó những chùm nho Ruby Roman mới sẵn sàng để đem tới trung tâm đấu giá.
Đầu ra của nho Ruby Roman
Giá trị của những chùm nho Ruby Roman được khẳng định ở những buổi đấu giá dành riêng cho chúng. Mỗi năm người ta chỉ đấu giá 30 chùm nho thượng hạng này. Những người tham gia coi đây là “những viên Ruby (đá hồng ngọc) của người Roman đích thực”, họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để được thưởng thức hương, vị và sự tuyệt vời khi thưởng thức chúng.