Cách trồng dưa lưới bội thu đủ sức cung cấp thị trường hè

Tìm hiểu cách thức trồng dưa lưới đang được nhiều trang trại áp dụng và đem lại hiệu quả cao.

Khi tiết trời chuyển sang mùa hạ thì cũng là lúc giá dưa lưới lại tăng lên ít nhiều. Dưa lưới không chỉ bù nước và năng lượng cho bạn để chống cái nóng oi bức, mà còn bổ sung nhiều vitamin A và C giúp tăng cường thị lực và điều hòa huyết áp.

Bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách trồng dưa lưới mà nhiều trang trại đang áp dụng có hiệu quả nhé.

Công đoạn chuẩn bị

Trước khi bắt tay vào trồng, bà con cần lựa chọn giống dưa lưới phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Với các tỉnh miền bắc, cần lưu ý chọn giống có thời gian sinh trưởng phù hợp với từng thời vụ, để tránh thay đổi thời tiết. Các tỉnh miền nam lại cần giống dưa kháng bệnh héo rũ và chạy dây tốt.

Thông thường, trồng dưa lưới có 2 vụ một năm, là vụ xuân và vụ đông. Vụ xuân gieo trồng vào cuối tháng 1 đến giữa tháng 2, vụ đông gieo trồng vào cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, tùy thuộc và tình hình bão lũ trong năm.

Dưa lưới có thể trồng từ hạt hoặc từ cây con, tuy nhiên trồng cây con thì không cần lo tới tỉ lệ nảy mầm. Các trung tâm cung cấp cây giống sẽ ươm trồng dưa lưới từ 7 đến 10 ngày. Đến khi cây con lên 2 – 3 lá thật thì sẵn sàng để đánh ra vườn trồng.

Dựng giàn trồng dưa lưới giống như giàn trồng các loại cây dưa leo khác. Giá thể trồng là đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa, đất trộn trấu… các loại đất tơi xốp dễ thoát nước là thích hợp nhất.

Trước khi trồng, bà con dùng màng phủ phản quang nông nghiệp để phủ lên luống. Màng phủ phản quang có nhiều công dụng như ngăn hiện tượng rửa trôi đất sau mưa, tăng cường khả năng quang hợp của cây, tiêu diệt sâu bệnh sinh sống dưới tán cây… Nhờ đó cây trồng phát triển nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 10 đến 15%.

Bà con có thể tham khảo màng phủ phản quang nông nghiệp Kokage sản xuất tại nhà máy Okura và được phân phối chính thức bởi Inabata Việt Nam.

Sau khi trồng cây con, nhà nông chúng ta chuyển sang giai đoạn chăm sóc dưa lưới.

Kỹ thuật chăm sóc cây dưa

Dưa lưới cần độ ẩm cao nên trong quá trình trồng bà con cần rất quan tâm tới việc tưới nước. Sau khi trồng 3-4 ngày thì bắt đầu tưới dặm cho cây, tưới 2 3 lần liên tục để cây có đà sinh trưởng. Tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây mà điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp.

Hiện nay, các trang trại công nghệ cao đang ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa giúp tiết kiệm vừa cung cấp đủ lượng nước và phân bón cho cây.

Khi dưa có 4-5 lá thì bà con bổ sung phân bón thúc. Bà con vén màng phủ rồi bón vào mép đất cách gốc 10-15 cm. Khi cây có 5 – 6 lá thì cắt tỉa nhánh phụ, để nhánh chính tập trung phát triển.

Thông thường, thời gian từ khi trồng đến lúc cây ra hoa sẽ rơi vào khoảng 23 – 25 ngày. Cây dưa ra hoa thì cần được thụ phấn sớm, tốt nhất là sau khoảng 3 – 5 ngày sau khi hoa nở để đảm bảo chất lượng cao nhất. Thời gian dưa lưới ra quả, bà con cần ngắt bớt ngọn để cây tập trung nuôi quả.

Cây dưa lưới trung bình ra từ 2 – 3 trái mỗi vụ, nếu cây ra nhiều trái hơn thì bà con cần gia cố thêm giàn và dây buộc để cây không bị đổ. Từ khi ra quả đến khi thu hoạch sẽ mất từ 60 – 65 ngày. Để quả phát triển nhanh hơn bà con có thể bón phân kali và phân đạm hằng tuần cho đến trước khi thu hoạch 2 tuần.

Dưa lưới khi thu hoạch cuống bắt đầu nứt xung quanh, trên vỏ gân lưới xuất hiện rõ. Khi bổ ra, thịt dưa màu trắng ngà hay màu vàng tùy vào giống, ngọt và thơm. Bà con lưu ý, trước khi thu hoạch dưa 7 ngày nên ngưng tưới nước để dưa ráo nước và giòn hơn.

Trên đây là kinh nghiệm trồng dưa lưới cho năng suất cao để phục vụ thị trường mùa nóng. Chúc bà con ứng dụng thành công và làm giàu nhờ cây dưa lưới.