Rau mồng tơi trồng thật đơn giản và dễ dàng nếu bạn áp dụng cách thức sau.
Mồng tơi vị chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, tốt cho sức khỏe nam giới và người khí huyết bất ổn. Cây mồng tơi được trồng rất đại trà, nhà nào cũng có thể trồng một giàn mồng tơi hoặc quây trồng trong hộp xốp. Hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ cách bạn tự trồng rau mồng tơi tại nhà hiệu quả.
Rau mồng tơi trắng với phiến lá nhỏ, thân mảnh và lá màu xanh nhạt là loại phổ biến nhất; ít phổ biến hơn là rau mồng tơi tím với gân lá màu tím đỏ, lá dày to bản. Loại mồng tơi tím này dễ cắt tỉa thu hoạch, ít nhớt và cho năng suất cao hơn mồng tơi trắng.
Về đặc tính sinh học, rau mồng tơi là cây trồng ngắn ngày, sinh trưởng ở vùng nhiệt đới với nhiệt độ thích hợp từ 25 – 30 độ C. Mồng tơi có thể mọc dài đến 10 mét, nên người ta còn làm giàn cho mùng tơi phát triển quanh năm.
Rau mồng tơi là giống rau dễ trồng, chỉ cần một khoảng đất nhỏ sau nhà hay chuẩn bị các thùng xốp chứa đất là có thể trồng được. Giống rau này ưa sáng, cần ánh nắng chiếu thường nhật để phát triển.
Bạn hãy chuẩn bị đất cát pha để làm giá thể, độ ẩm trung bình của đất cát pha rất thích hợp để kích thích mồng tơi phát triển. Nếu trồng nhiều, bạn gieo hạt mồng tơi theo tỉ lệ 3 kg hạt giống trên 1000 m2. Luân canh với cây trồng khác họ để cải thiện dinh dưỡng cho đất.
Nếu trồng số lượng ít thì bạn chỉ cần áp dụng theo hướng dẫn gieo trồng trên bao bì của túi hạt giống. Sau khi cây mồng tơi con mọc lên bạn hãy nhổ bớt cây con cho thoáng, khoảng cách tối thiểu giữa các cây là 10 cm.
Sau khi trồng bạn nhớ tưới nước ngay, những ngày sau đó tưới ngày 1 lần vào sáng sớm (7 giờ sáng) hoặc khi ánh nắng mặt trời không còn gay gắt (5 giờ chiều).
Rau mồng tơi bón bằng phân chuồng ủ hoai hoặc phân hữu cơ có hàm lượng N, P, K cao. Có thể bón theo hai cách là hòa phân bón vào nước tưới và tưới gần gốc cây rau, hoặc bón phân thô vào đất, cách gốc rau 15 cm rồi tưới nước. Mồng tơi cũng cần được bổ sung các yếu tố vi lượng để phát triển, bạn nên bón lót bằng phân hữu cơ khoáng trước khi gieo trồng. Sau khi thu hoạch một vụ bạn cũng nên bón phân hữu cơ, bổ xung chất dinh dưỡng cho vụ sau.
Loại rau này dễ sống và ít sâu bệnh, bệnh thường gặp nhất trên cây mồng tơi là bệnh đốm lá. Bạn hãy ngắt bỏ lá bệnh, nhổ bỏ cả cây nếu bị nặng để tránh lây lan sang xung quanh; đồng thời phun thuốc Daconil 500sc lên cả vườn rau.
Một tháng sau khi trồng, mồng tơi đã có thể cho thu hoạch. Thời gian 2 tuần trước khi thu hoạch bạn nên ngừng tưới phân bón. Bạn hãy dùng dao cắt cả thân mồng tơi, cắt cách gốc từ 10 cm trở lên để tiếp tục trồng lứa tiếp theo. Bạn có thể thu hoạch mồng tơi thêm 4 đến 5 lứa nữa trước khi rau cỗi, kém phát triển; mỗi lứa sau thu hoạch cách nhau 15 ngày.
Một phương pháp mới để bảo quản rau mồng tơi mà bạn cần biết, đó là sử dụng túi MA. Sau khi cắt cây rau mồng tơi, bạn hãy rũ sạch đất, đừng rửa bằng nước, rồi bỏ vào trong túi MA và khóa túi lại. Chiếc túi này sẽ cho phép thay đổi tỉ lệ không khí bên trong túi : cho phép khí CO2 thoát ra, và ngăn khí O2 lọt vào bên trong túi. Điều này giúp cho quá trình trao đổi chất của rau củ quả giảm xuống, rau củ quả sẽ chậm chín, chậm biến chất và giữ được độ tươi ngon lâu hơn. Với mồng tơi, bạn có thể bảo quản rau trong 4 – 6 tuần mà cây rau vẫn xanh mướt và ngon ngọt như mới cắt.
Phương pháp bảo quản mới này hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên bạn có thể yên tâm về sức khỏe. Túi MA sau khi sử dụng vẫn có thể rửa sạch và sử dụng tiếp cho lần sau, giúp bạn tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.