Câu chuyện về người nông dân và quả hồng ngọt

Quả hồng ngọt (tiếng anh là persimmon, còn được gọi là Fuyu) là loại cây ăn quả phổ biến ở các nước châu Á. Quả hồng màu vàng cam đến đỏ cam, vị ngọt thanh, bổ dưỡng và còn có công dụng như một vị thuốc dân gian. Ở Việt Nam có nhiều giống hồng như hồng trứng lốc ở Đà Lạt, hồng vuông ở Huế, hồng không hạt Hà Tĩnh, hồng Nhân Hậu Hà Nam… được tiêu thụ nhiều trong thị trường trong nước.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu con đường của quả hồng ngọt từ khi còn là cây con đến khi tới tay người tiêu dùng.

Mất 3 năm mới ra quả

Cây hồng giống ban đầu được nuôi lớn và chăm sóc trong vườn cây giống ở địa phương. Tới độ trưởng thành thời vụ tháng 11 tháng 12 dương lịch, người ta đem trồng ở vườn cây ăn quả. Cây hồng cần rất nhiều nước, nên vườn cây thường bố trí cạnh nguồn nước để tiện tưới tiêu.

Ngày trước người nông dân hay dùng rơm rạ, cỏ khô vun dưới gốc cây, mục đích là để tránh cỏ dại mọc, tránh xói mòn đất sau mưa. Tuy nhiên ủ rơm rạ thường tạo ra môi trường phát triển cho các vi sinh vật không có lợi gây hại cho rễ. Ngày nay người nông dân đã sử dụng màng phản quang để phủ quanh gốc cây, vừa có công dụng tương đương, vừa kích thích cây trồng sinh trưởng tốt.

Cây hồng phát triển đến năm thứ 3 thì bắt đầu cho thu hoạch. Với đặc tính sinh trưởng tốt, hồng ngọt cho ra rất nhiều trái. Trái hồng ngọt vừa chín tới là đã sẵn sàng để được hái, với độ giòn và ngọt rất hấp dẫn.

Tỉ mỉ sơ chế trái hồng ngọt

Trái hồng được tiêu thụ chủ yếu dưới hai dạng: trái hồng tươi và hồng khô. Những trái hồng to nhất, chín nhất được lựa chọn và bảo quản trong túi MA và vận chuyển tới các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trên cả nước. Thời gian bảo quản hồng ngọt trong túi MA có thể lên đến 1 tháng mà trái hồng vẫn giữ được sự tươi ngon như khi vừa mới hái trên cây.

Để làm hồng khô dẻo ngon, người nông dân phải trải qua những công đoạn rất tỉ mỉ. Trái hồng sau khi hái xuống được gọt vỏ, treo lên giàn phơi.

Những trái hồng khô ngon nhất được phơi dưới ánh nắng mặt trời từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Hằng ngày người nông dân dùng cọ chà bên ngoài để lượng đường trong hồng chuyển hóa thành lớp vỏ trắng ngọt ngào.

Sau nhiều ngày hấp thu tinh túy của đất trời, trái hồng ngọt đã có màu sắc và kết cấu hoàn hảo để đóng hộp và chuyển đến tay khách hàng.